Bếp có lẽ là nơi thứ 2 trong nhà (sau phòng ngủ) chúng ta dành nhiều thời gian nhất ở đó cả nhà nhỉ? Bếp cũng là nơi chứa không biết bao nhiêu là vật dụng, đồ đạc. Vậy làm thế nào để sắp xếp bếp gọn gàng, sạch sẽ, thuận tiện và dễ tìm đồ dùng nhất, để chúng ta luôn yêu bếp và có hứng thú với việc nấu nướng? Và sau đây chị Liên Nguyễn có 1 vài mẹo nhỏ muốn chia sẻ với cả nhà thế này ạ:

1. Muốn bếp thoáng và gọn gàng chúng ta hãy giấu đồ đạc đi Để làm khâu này tốt thì lúc thiết kế bếp mình đã chọn loại tủ bếp có nhiều ngăn kéo. Ở mỗi ngăn kéo như thế mình sẽ sắp xếp được đồ dùng riêng biệt và dễ tìm.

2. Xếp đồ đạc theo nhóm, theo mục đích sử dụng. Ví dụ: dao, dĩa, thìa, đũa và các dụng cụ làm bếp nhỏ ở cùng chỗ với nhau. Nồi xoong chảo 1 chỗ, bát đĩa 1 chỗ, cốc uống nước 1 chỗ riêng. Các hộp đựng thực phẩm dự trữ xếp cùng nơi với nhau. 1 nơi khác chỉ có chai và lọ…. Kiểu phân biệt theo nhóm như thế ngay từ đầu giúp chúng ta rất dễ tìm đồ đạc.

3. Khi xếp các đồ đạc mình làm theo nguyên tắc: dễ ngoài thấp, khó trong cao. Tức là đồ nào hay dùng mình để phía ngoài hoặc ở vị trí thấp trong tủ treo còn đồ ít dùng thì để ở phía trong hoặc ở vị trí cao hơn.

4. Những đồ vật hiếm khi dùng không nên để trong bếp. Các loại máy cồng kềnh có khi cả tháng hay cả năm mới dùng đến 1 lần, mình kiếm 1 chỗ khác cho chúng chứ không đặt cố định trong bếp để tiết kiệm diện tích và không gian.

5. Các lọ và gói gia vị nhỏ rất khó tìm nên mình làm giá nhỏ, mỏng riêng cho chúng. Gia vị chúng ta không nên để trực tiếp phía trên bếp nấu hoặc cạnh cửa sổ vì tác dụng của nhiệt độ cao sẽ làm gia vị sớm mất mùi và hỏng. Các chai gia vị lớn hơn mình để tập trung ở 1 ngăn khác.

6. Tủ dưới của bếp nào cũng có 1 đến 2 góc chết. Nên mình đã chọn cách lắp giá di động để nồi xoong chảo vào vị trí này để tận dụng triệt để diện tích của góc chết. Góc chết thứ 2 mình có là phía dưới bồn rửa, sâu bên trong. Mình để các dụng cụ cọ rửa và đồ linh tinh ít dùng vào đó, rồi mới đến các thùng rác.
7. Luôn đặt đồ đạc vào đúng vị trí của nó sau khi dùng và lau chùi bếp sau mỗi lần nấu nướng. Nếu làm thường xuyên thế này thì mỗi lần chỉ mất 5 phút còn nếu để cả tuần hay cả tháng mới lau chùi thì cặn mỡ bụi bẩn quyện lại với nhau, rất mất thời gian để làm sạch.
8. Hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon và hộp plastic để đựng đồ. Mình không thích 2 loại vật liệu này vì muốn có 1 môi trường không plastic và vì nếu dùng chúng nhìn sẽ lộn xộn hơn rất nhiều. Nên mình ưu tiên dùng lọ sứ và thủy tinh để bảo quản thực phẩm.
Cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã xem bài viết này, và nếu mọi người thích bài viết này thì đừng quên để lại cho mình một lượt like và chia sẻ và đừng quên theo dõi YÊU NHÀ ĐẸP để nếu như mình có bài viết mới thì các bạn là người đầu tiên nhìn thấy mình nha <3 <3